Âm giai trong Guitar – Những điều bạn cần biết khi học đàn

Âm giai là cái sườn để xây dựng bất cứ bản nhạc nào. Chúng cung cấp các chất liệu quan trọng cho một sáng tác và ngẫu hứng của hầu hết các phong cách và thể loại âm nhạc. Việc dành thời gian để nắm vững các âm giai cơ bản nhất sẽ tạo nên sự khác biệt lớn giữa một người chơi trung bình và một người chơi tài năng. May mắn thay, khi nói đến việc học các âm giai guitar vấn đề chủ yếu bạn cần quan tâm chỉ là ghi nhớ các mẫu hình đơn giản thông qua thực hành.

Phần 1: Khái niệm và thuật ngữ cơ bản

Tìm hiểu cách đọc phím đàn guitar

Trên một cây đàn guitar, phần mặt trước dài và mỏng nơi mà bạn đặt ngón tay được gọi là mặt bàn phím. Các dây kim loại rung động trên mặt phím chia nó thành các phím đàn. Âm giai được hình thành bằng cách chơi các nốt nhạc trên các mẫu hình khác nhau của phím đàn, vì vậy quan trọng là cần phải xác định được chúng. Hãy xem ở bên dưới:

– Các phím đàn được đánh số từ đầu cần đàn về hướng thân đàn. Ví dụ, phím đàn ở cuối cần đàn là phím thứ 1 (hay “phím 1”), phím tiếp theo là phím thứ 2,…

– Nhấn vào một dây trên một phím nhất định và gảy dây đàn trên thân đàn để chơi một nốt nhạc. Phím đàn càng gần cơ thể thì các nốt nhạc càng cao.

– Các dấu chấm trên phím đàn chỉ để tham khảo – chúng giúp bạn dễ dàng xác định được vị trí đặt ngón tay mà không cần phải đếm các phím đàn trên cần đàn.

Tìm hiểu tên của các nốt trên mặt phím

Mỗi một phím trên guitar chơi một nốt nhạc đều có một tên gọi riêng. Chỉ có 12 nốt nhạc – các tên gọi chỉ lặp đi lặp lại. Dưới đây là các nốt mà bạn sẽ chơi. Lưu ý rằng một số nốt có 2 tên gọi khác nhau:

– A, A#/Bb, B, C, C#/Db, D, D#/Eb, E, F, F#/ Gb, G, G#/Ab. Sau đó, các nốt này lại bắt đầu tại nốt A và lặp lại.

– Không quá khó để học vị trí của các nốt khác nhau, nhưng sẽ mất một ít thời gian để trình bày trong bài viết này. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy tham khảo bài viết của chúng tôi về chủ đề này tại đây.

Tìm hiểu tên của các dây đàn

Bạn có thể nói đến các dây khác nhau với các tên gọi như “dày nhất, dày thứ 2,…” nhưng việc thảo luận về âm giai sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn biết chính xác tên của các dây đàn. Việc này khá là hữu ích bởi vì các dây được đặt tên theo nốt nhạc mà bạn chơi khi bạn không nhấn vào bất kỳ phím nào. Trên một cây guitar có 6 dây khi được điều chỉnh theo tiêu chuẩn, các dây sẽ là:

  • E (Mi) (dày nhất)
  • A (La)
  • D (Rê)
  • G (Sol)
  • B (Si)
  • E (Mi) (mỏng nhất) – lưu ý là dây này có cùng tên với dây dày nhất, vì vậy một số người sẽ gọi là E (Mi) thấp và E (Mi) cao để phân biệt chúng. Đôi khi bạn cũng sẽ thấy chữ “e” thường được sử dụng để biểu thị cho dây mỏng nhất.

Tìm hiểu khái niệm cung và nửa cung trong âm giai

Nói một cách đơn giản, âm giai chỉ là một chuỗi các nốt nhạc được chơi theo một trình tự sẽ tạo ra âm thanh ngọt ngào, thú vị. Khi tìm hiểu về âm giai, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các âm giai đều được xây dựng từ các mẫu hình “cung” và “nửa cung”. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng đây chỉ là cách để mô tả những khoảng cách khác nhau trên mặt phím:

– Nửa cung là khoảng cách một phím lên hoặc xuống. Ví dụ, nếu bạn chơi nốt C (dây A, phím thứ 3), di chuyển lên một phím sẽ cho bạn một nốt C# (dây A, phím thứ 4). Ở đây C và C# cách nhau nửa cung.

– Cung cũng giống với nửa cung ngoại trừ khoảng cách là 2 phím. Ví dụ, nếu chúng ta bắt đầu ở nốt C và di chuyển lên 2 phím, chúng ta sẽ có một nốt D (dây A, phím thứ 5). Vì vậy, C và D cách nhau một cung.

Các bậc trong âm giai

Chúng ta đã sẵn sàng để học về âm giai. Khái niệm cuối cùng cần biết đó là, vì âm giai là một chuỗi các nốt nhạc được chơi theo một trình tự nhất định, cho nên các nốt của âm giai có các tên gọi được đánh số đặc biệt gọi là “bậc” để giúp bạn nhận biết chúng. Các bậc được liệt kê dưới đây. Học tên gọi được đánh số của các bậc là việc quan trọng nhất – các tên khác ít được sử dụng thường xuyên hơn.

  • Nốt bắt đầu được gọi là nốt gốc hoặc nốt đầu tiên. Đôi khi nó cũng được gọi là nốt chủ âm.
  • Nốt thứ hai là nốt supertonic (thượng chủ âm) hay nốt bậc 2.
  • Nốt thứ ba là nốt median (trung âm) hay nốt bậc 3.
  • Nốt thứ tư là nốt subdominant (hạ áp âm) hay nốt bậc 4.
  • Nốt thứ năm là nốt dominant (áp âm) hay nốt bậc 5.
  • Nốt thứ sáu là nốt submediant (thượng áp âm) hay nốt bậc 6.
  • Nốt thứ bảy được gọi là nốt bậc 7 – nó có một vài tên gọi khác thay đổi tùy thuộc vào âm giai, vì vậy chúng tôi bỏ qua nó trong bài viết này.
  • Nốt thứ tám được gọi là quãng tám. Đôi khi nó cũng được gọi là chủ âm bởi vì nó giống với nốt đầu tiên, chỉ khác là cao hơn.
  • Sau quãng tám, bạn có thể bắt đầu lại từ nốt bậc 2 hoặc hoặc tiếp tục từ nốt bậc 9. Ví dụ, nốt nhạc sau quãng tám được gọi là nốt bậc 9 hoặc nốt bậc 2.

Phần 2: Âm giai trưởng

Chọn nốt gốc cho âm giai

Loại âm giai mà chúng ta sẽ nói tới trong phần này là âm giai trưởng. Đây là thứ đầu tiên cần phải học bởi vì nhiều âm giai khác được tạo dựa trên âm giai trưởng. Một điều thú vì về âm giai này là bạn có thể bắt đầu từ bất kỳ nốt nhạc nào. Để bắt đầu, hãy lựa chọn bất kỳ nốt nào bên dưới trong phím thứ 12 trên dây E thấp hoặc A. Bắt đầu từ một trong những dây thấp cho bạn nhiều không gian để di chuyển lên và xuống âm giai.

Ví dụ, hãy bắt đầu với nốt G (dây E thấp, phím thứ 3). Trong phần này, bạn sẽ học cách chơi âm giai G trưởng – âm giai được đặt tên theo nốt gốc.

Tìm hiểu mẫu hình cung của âm giai trưởng

Tất cả các âm giai đều được viết dưới dạng các mẫu hình cung hoặc nửa cung. Mẫu hình cung của âm giai trưởng rất quan trọng bởi vì nhiều mẫu hình âm giai khác có nguồn gốc từ nó. Hãy xem bên dưới:

  • Bắt đầu từ nốt gốc, sau đó thực hiện như sau:

1 cung, 1 cung, nửa cung, 1 cung, 1 cung, 1 cung, nửa cung.

  • Ví dụ, nếu chúng ta bắt đầu từ nốt G, trước tiên chúng ta sẽ di chuyển lên 1 cung đến nốt A. Sau đó, di chuyển lên thêm 1 cung nữa đến nốt B. Rồi, di chuyển lên nửa cung tới nốt C. Theo mẫu hình ở trên, chúng ta sẽ tiếp tục di chuyển lên, chơi các nốt D, E, F#, và kết thúc ở G.

Tìm hiểu mẫu hình tay của âm giai trưởng

Bạn có thể chơi toàn bộ một âm giai trên một dây, nhưng việc này khá là bất tiện – bạn sẽ không thấy nghệ sỹ guitar nào làm điều đó cả. Thay vì vậy, việc di chuyển lên và xuống qua một số dây khác nhau phổ biến hơn nhiều. Việc này giúp hạn chế chuyển động tay mà bạn phải thực hiện.

  • Đối với âm giai C trưởng  chúng ta vừa tìm hiểu, chúng ta sẽ bắt đầu ở phím thứ 3 của dây E thấp. Chúng ta sẽ chơi nốt A và B trên phím 5 và 7 của dây E.
  • Sau đó, nhấn nốt C trên phím thứ 3 của dây A. Nhấn nốt D và E trên các phím 5 và 7 của dây A.
  • Rồi, nhấn nốt F# trên phím thứ 4 của dây D. Kết thúc bằng cách nhấn nốt G trên phím thứ 5 của dây D. Lưu ý rằng không phải di chuyển tay lên và xuống cần đàn – chỉ cần thay đổi các dây và kéo dài các ngón tay.
  • Kết hợp tất cả, chúng ta sẽ có:

Dây E thấp: G (phím 3), A (phím 5), B (phím 7)

Dây A: C (phím 3), D (phím 5), E (phím 7)

Dây D: F# (phím 4), G (phím 5)

Thử di chuyển mẫu hình này lên và xuống cần đàn

Miễn là bạn đang bắt đầu với dây E thấp hoặc A, mẫu hình ngón tay của âm giai trưởng mà bạn đã tìm hiểu có thể được chơi ở mọi nơi trên cần đàn. Nói cách khác, chỉ cần di chuyển tất cả các nốt lên hoặc xuống với cùng một số phím/cung để chơi một âm giai trưởng khác.

  • Ví dụ, nếu chúng ta muốn chơi âm giai B trưởng, chúng ta chỉ cần di chuyển lên cần đàn đến phím thứ 7 của dây E thấp. Sau đó, sử dụng cùng một mẫu hình ngón tay như trước để chơi âm giai như sau:

Dây E thấp: B (phím 7), C# (phím 9), D# (phím 11)

Dây A: E (phím 7), F# (phím 9), G# (phím 11)

Dây D: A# (phím 8), B (phím 9)

  • Lưu ý rằng chúng ta đặt ngón tay theo cùng một mẫu hình phím đàn như trước đây. Chỉ cần di chuyển mẫu hình này lên và xuống để chơi các âm giai trưởng khác.

Tìm hiểu âm giai di chuyển lên và xuống

Thông thường, âm giai không chỉ được chơi theo một hướng. Khi bạn đã thành thạo việc di chuyển âm giai trưởng đi lên, hãy thử chơi lại theo hướng đi xuống khi bạn đạt đến quãng tám. Tất cả những gì bạn cần làm là chơi đúng các nốt đó theo thứ tự ngược lại – không cần thay đổi.

  • Ví dụ, nếu chúng ta muốn chơi âm giai B trưởng lên và xuống, chúng ta sẽ chơi các nốt sau:

Di chuyển lên: B, C#, D#, E, F#, G#, A#, B

Di chuyển xuống: B, A#, G#, F#, E, D#, C#, B

  • Nếu bạn muốn có âm giai phù hợp với nhịp 4/4, hãy chơi các nốt ở dạng nốt đen hoặc nốt móc đơn. Nhấn 2 lần quãng tám hoặc di chuyển lên nốt bậc 9 (chỉ 1 cung ở trên quãng tám), sau đó di chuyển xuống. Việc này sẽ cho bạn biết số lượng nốt nhạc phù hợp với âm giai để thích hợp với các ô nhịp.

Phần 3: Âm giai thứ

Tìm hiểu sự khác biệt giữa âm giai thứ và âm giai trưởng

Âm giai thứ có rất nhiều điểm chung với âm giai trưởng. Giống như âm giai trưởng, nó cũng được đặt tên theo nốt gốc (chẳng hạn như E thứ, A thứ,…). Hầu hết các nốt nhạc đều giống nhau. Chỉ có một vài thay đổi bạn cần thực hiện:

  • Âm giai thứ có bậc 3 giáng
  • Âm giai thứ có bậc 6 giáng
  • Âm giai thứ có bậc 7 giáng
  • Để tạo một nốt giáng, chỉ cần giảm nốt chủ âm xuống một cung rưỡi. Điều này có nghĩa là nốt bậc 3 và bậc 7 trong âm giai sẽ là phím thấp hơn trong âm giai trưởng.

Tìm hiểu mẫu hình cung của âm giai thứ

Các nốt bậc 3, bậc 6 và bậc 7 là những nốt giáng trong âm giai sẽ làm thay đổi mẫu hình cung từ âm giai trưởng sang âm giai thứ. Ghi nhớ mẫu hình mới sẽ giúp ích khi bạn làm quen với âm giai thứ.

  • Mẫu hình cung của âm giai thứ, bắt đầu từ nốt gốc, sẽ là:

1 cung, nửa cung, 1 cung, 1 cung, nửa cung, 1 cung, 1 cung

  • Ví dụ, nếu muốn chơi âm giai G thứ, chúng ta sẽ bắt đầu với âm giai G trưởng và hạ các nốt bậc 3, bậc 6 và bậc 7 xuống nửa cung. Âm giai G trưởng như sau:

G, A, B, C, D, E, F#, G

  • … vậy sẽ có âm giai G thứ:

G, A, Bb, C, D, Eb, F G

Tìm hiểu mẫu hình tay của âm giai thứ

Cũng giống với âm giai trưởng, các nốt trong âm giai thứ được chơi với một mẫu hình phím nhất định mà bạn có thể trượt lên xuống cần đàn để chơi nhiều âm giai thứ khác nhau. Miễn là bạn đang bắt đầu với dây E thấp hoặc A, mẫu hình tay của âm giai thứ cũng giống như vậy.

  • Ví dụ, chúng ta chơi âm giai Eb thứ. Để chơi được, hãy dùng âm giai Eb thứ và trượt các nốt bậc 3, bậc 6 và bậc 7 xuống 1 phím, như sau:

Dây A: Eb (phím 6), F (phím 8), F# (phím 9)

Dây D: Ab (phím 6), Bb (phím 8), B (phím 9)

Dây G: Db (phím 6), Eb (phím 8)

Thực hành chơi âm giai lên và xuống

Cũng giống với âm giai trưởng, âm giai thứ thường được chơi đi lên, rồi sau đó hạ xuống. Một lần nữa, bạn chỉ cần chơi cùng một chuỗi các nốt theo trình tự ngược lại, không có bất cứ thay đổi nào.

  • Ví dụ nếu bạn muốn chơi âm giai Eb thứ lên và xuống, bạn sẽ chơi như sau:

Đi lên: Eb, F, F#, Ab, Bb, B, Db, Eb

Hạ xuống: Eb, Db, B, Bb, Ab, F#, F, Eb

  • Giống với âm giai trưởng, bạn có thể thêm nốt bậc 9 (nốt F ở trên quãng tám) hoặc chơi 2 lần quãng tám để có các nhịp phù hợp với nhịp 4/4.

Phần 4: Các âm giai hữu ích khác

Luyện tập âm giai chromatic

Một loại âm giai hữu ích cho việc luyện tập là âm giai chromatic. Trong âm giai này, tất cả các nốt đều cách nhau nửa cung. Có nghĩa là âm giai chromatic có thể được chơi đơn giản bằng cách trượt lên và xuống các phím đàn theo thứ tự.

  • Chơi thử bài luyện tập âm giai chromatic này: Đầu tiên, chọn một trong số các dây đàn (không quan trọng dây nào). Đếm nhịp 4/4 đều đặn. Chơi dây mở (không phải các nốt được nhấn) dưới dạng nốt đen, sau đó đến phím thứ 1, thứ 2 và thứ 3. Không dừng lại, chơi phím thứ 1, rồi phím thứ 2, thứ 3, thứ 4. Giữ nhịp đều đặn và chơi phím thứ 2, rồi thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Tiếp tục mẫu hình này cho đến khi bạn chơi đến phím thứ 12, sau đó chơi quay lại!
  • Ví dụ, nếu bạn đang chơi trên dây E cao, bài luyện của bạn sẽ như sau:

Ô nhịp 1: E (mở), F (phím 1), F# (phím 2), G (phím 3)

Ô nhịp 2: F (phím1), F# (phím 2), G (phím 3), G# (phím 4)

  • … cho đến phím 12 (rồi quay lại).

Tìm hiểu âm giai pentatonic

Âm giai pentatonic chỉ có 5 nốt nhạc và thường được sử dụng cho các bản nhạc solo. Cụ thể, âm giai pentatonic thứ đặc biệt phổ biến trong nhạc rock, jazz và blues. Nó được sử dụng thường xuyên đến nỗi đôi khi người ta gọi tắt là  “pentatonic”. Dưới đây là âm giai mà chúng ta sẽ tìm hiểu.

  • Âm giai pentatonic thứ gồm có 3 bậc: nốt gốc, nốt bậc 3, 4, 5 giáng và nốt bậc 7 giáng (cộng với quãng tám). Về cơ bản nó là âm giai thứ không có nốt bậc 2 và 6.
  • Ví dụ, nếu chúng ta chơi trên dây E thấp, âm giai pentatonic A thứ sẽ như sau:

Dây E thấp: A (phím thứ 5), C (phím thứ 8)

Dây A: D (phím thứ 5), E (phím thứ 7)

Dây D: G (phím thứ 5), A (phím thứ 7)

  • Từ đây, nếu muốn, chúng ta có thể tiếp tục, chơi vẫn các nốt ấy trên dây cao hơn:

Dây G: C (phím thứ 5), D (phím thứ 7)

Dây B: E (phím thứ 5), G (phím thứ 8)

Dây E: A (phím thứ 5), C (phím thứ 8)

Tìm hiểu âm giai blues

Khi bạn đã biết về âm giai pentatonic thứ thì rất dễ để chơi một âm giai có liên quan khác là âm giai blues. Tất cả những gì bạn cần làm là thêm nốt bậc 5 giáng vào âm giai pentatonic thứ. Từ đây bạn sẽ có một âm giai với 6 nốt – những thứ khác đều giống nhau.

  • Ví dụ, nếu bạn muốn chuyển âm giai pentatonic A thứ sang âm giai blues A, bạn sẽ chơi như sau:

Dây E thấp: A (phím thứ 5), C (phím thứ t 8)

Dây A: D (phím thứ 5), Eb (phím thứ 6), E (phím thứ 7)

Dây D: G (phím thứ 5), A (phím thứ 7)

Dây G: C (phím thứ 5), D (phím thứ 7), Eb (phím thứ 8)

Dây B: E (phím thứ 5), G (phím thứ 8)

Dây E: A (phím thứ 5), C (phím thứ 8)

  • Nốt bậc 5 được gọi là nốt blue. Mặc dù nó nằm trong âm giai, nhưng nó khá kỳ lạ và nghịch tai, vì vậy nếu bạn chơi solo, hãy cố gắng sử dụng nó như một giai điệu chủ đạo. Đừng chơi nốt blue quá lâu!

Tìm hiểu 2 quãng tám của tất cả các âm giai

Khi bạn đạt đến quãng tám của âm giai, không phải lúc nào bạn cũng phải quay trở lại. Chỉ cần coi quãng tám đầu tiên là nốt gốc mới và sử dụng cùng một mẫu hình cung để chơi quãng tám thứ 2. Chúng tôi đã đề cập ngắn gọn đến điều này ở phần âm giai pentatonic thứ ở trên, nhưng bạn có thể thực hiện nó với hầu hết tất cả các âm giai. Việc bắt đầu từ một trong 2 dây dưới cùng thường làm cho nó dễ phù hợp với 2 quãng tám trong cùng một phạm vi của cần đàn. Lưu ý rằng quãng tám thứ 2 thường có mẫu hình ngón tay khác mặc dù các cung là giống nhau.

  • Tìm hiểu âm giai trưởng có 2 quãng tám – khi bạn đã biết về nó, bạn sẽ dễ dàng tìm ra âm giai thứ có 2 quãng tám. Chúng ta sẽ thử với âm giai G trưởng (âm giai đầu tiên mà chúng ta tìm hiểu ở đầu bài viết):

Dây E thấp: G (phím thứ 3), A (phím thứ 5), B (phím thứ 7)

Dây A: C (phím thứ 3), D (phím thứ 5), E (phím thứ 7)

Dây D: F# (phím thứ 4), G (phím thứ 5)

  • Tiếp tục, sử dụng cùng một mẫu hình cung: 1 cung, 1 cung, nửa cung,…

Dây D: G (phím thứ 5), A (phím thứ 7)

Dây G: B (phím thứ 4), C (phím thứ 5), D (phím thứ 7)

Dây B: E (phím thứ 5), F# (phím thứ 7), G (phím thứ 8)

  • … và sau đó quay trở lại!

Bài viết trên đã trình bày khá đầy đủ những kiến thức và khái niệm cơ bản mà bất cứ người chơi guitar nào cũng cần biết. Chúng tôi tin rằng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *